8 đặc điểm của trẻ thiếu tự tin

Trẻ thiếu tự tin thường nói tiêu cực về bản thân hoặc người khác, dễ xúc động khi thất bại, đôi khi hành động thiếu chín chắn, hách dịch để che giấu sự tự ti của mình.

1. Không thích được khen hay bị chỉ trích

Trẻ thiếu tự tin thường không thích được khen vì nghĩ rằng chúng không xứng đáng với những gì đã được nói. Mặt khác, nếu trẻ cũng không xử lý tốt những lời chỉ trích, đó cũng có thể là dấu hiệu con bạn có lòng tự trọng thấp.

2. Nói tiêu cực về bản thân hoặc người khác

Những người có lòng tự trọng cao suy nghĩ cho bản thân và mọi người. Ngược lại, người thiếu tự tin lại nghĩ tiêu cực về chính mình và người khác. Khi tự ti, trẻ trở nên nhạy cảm với mọi công việc, lời nói của những người xung quanh.

3. Hay so sánh

Nếu con bạn liên tục so sánh mình với bạn bè hoặc người khác, điều đó có thể có nghĩa chúng không thích hoặc không tự tin về con người của mình. Điều này có thể nghĩ theo hai cách - trẻ tự hạ mình xuống hoặc hạ thấp người khác để khiến bản thân cảm thấy tốt hơn. Dù bằng cách nào, lối suy nghĩ đó đều không lành mạnh.

4. Dễ xúc động khi thất bại

Thất bại là bình thường và xảy ra rất nhiều. Nhưng nếu con có lòng tự trọng thấp, thiếu tự tin, trẻ dễ khóc, tức giận hoặc tỏ ra thất vọng tột độ khi thất bại hoặc thua cuộc.

5. Bỏ cuộc quá sớm

Nếu con bạn có lòng tự trọng thấp, chúng có thể bỏ cuộc trước khi đưa ra quyết định. Trẻ cũng có thể tránh hoàn toàn tình huống chúng nghĩ sẽ thất bại và không cố gắng vượt qua thử thách.

6. Ngôn ngữ cơ thể không tự tin

Điều này bao gồm một loạt các vấn đề như tránh giao tiếp bằng mắt, hay khoanh tay và các dấu hiệu thể chất cho thấy trẻ thiếu niềm tin vào bản thân.

7. Bao biện cho những thất bại

Trẻ thiếu tự tin thường không thích thừa nhận thất bại. Chúng cũng có thể gian lận hoặc nói dối khi nghĩ rằng mình thua hoặc làm kém điều gì đó.

8. Hành động thiếu chín chắn hoặc hung hăng, hách dịch

Nếu con có những hành động thiếu chín chắn hoặc tỏ ra ngớ ngẩn để thu hút sự chú ý, điều đó có thể chứng tỏ chúng tự ti, có lòng tự trọng thấp. Ngoài ra, nếu trẻ có vấn đề về lòng tự trọng, chúng thường tỏ ra hách dịch hoặc hành động như kẻ hay đi bắt nạt. Thông thường, một số người ép buộc người khác nhằm che đậy cảm giác tồi tệ về bản thân.